Những sai lầm tưởng chừng như vô hại khiến iPhone nhanh hỏng hơn.
Huyền Trang
Th 6 10/01/2020
1.Cài đặt mật khẩu quá dễ đoán
Đối với đa số người sử dụng smartphone, bảo mật là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay. Điều này đồng nghĩa rằng tất cả những thông tin cá nhân quan trọng bao gồm: danh bạ, thông tin thẻ tín dụng, mật khẩu, hình ảnh, tài liệu, ghi chú, tin nhắn,… đều đang nằm trong túi bạn.
Do đó, hãy sử dụng các phương thức bảo mật cần thiết và đảm bảo an toàn cho chiếc iPhone của mình, vì nếu chẳng may điện thoại bị mất thì mọi thông tin trên điện thoại của bạn sẽ bị người khác lợi dụng cho những mục đích xấu.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên đặt những mật khẩu quá dễ đoán như 000000, 123456, 666888…. Tốt nhất hãy sử dụng mật khẩu bao gồm cả chữ và số. Để thay đổi mật khẩu, bạn chỉ cần vào Settings (cài đặt) > Touch ID & Passcode (Touch ID & mật khẩu) > Change Passcode (thay đổi mật khẩu), nhập lại mật khẩu cũ khi được yêu cầu. Lúc này, hãy nhấp vào tùy chọn Passcode Options (tùy chọn mật khẩu) để có thể đặt mật khẩu gồm số và chữ.
Bên cạnh đó, đừng bỏ qua Touch ID hoặc Face ID nếu điện thoại bạn đang sử dụng có những tính năng này. Theo đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ không phải điền mật khẩu của bạn nhiều lần, đặc biệt là nếu nó quá dài, để mở khoá iPhone.
2.Đăng xuất khỏi mọi tài khoản khi không sử dụng
Có không ít người dùng iPhone có thói quen đăng xuất khỏi các ứng dụng của mình, như Facebook, Instagram, ngân hàng,… khi bản thân không dùng đến. Mặc dù, đây là một hành động xuất phát từ lo lắng việc kẻ nào đó có thể truy cập tài khoản của mình, nhưng rõ ràng đây là việc quá mức “lo xa”.
Thực tế thì chiếc iPhone của bạn đã được bảo mật khá an toàn với những tuỳ chọn như Touch ID, Face ID hay Passcode (nếu bạn dùng những mật khẩu khó đoán). Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng hiện nay cũng đã bổ sung thêm các yếu tố bảo mật bằng sinh trắc học, điều này đảm bảo sẽ chỉ riêng bạn mới có quyền truy cập các ứng dụng cá nhân. Do đó, việc đăng xuất khỏi một thiết bị hay ứng dụng khi không sử dụng là một điều không cần thiết.
3.Không bao giờ tắt nguồn iPhone
Cũng giống như con người, bất cứ máy móc nào cũng cần được “nghỉ ngơi” sau 1 ngày sử dụng. Nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng, khi bản thân không sử dụng thì thiết bị của mình đang ở chế độ nghỉ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng, dù bạn không sử dụng trực tiếp thì thiết bị của bạn vẫn đang hoạt động bình thường.
Do đó, hãy tắt nguồn chiếc iPhone của bạn định kì khoảng 1 hoặc 2 tháng/lần. Điều này đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho thiết bị của bạn được “nghỉ ngơi”, qua đó giảm thiểu áp lực cho hệ thống pin.
4.Cấp quyền cho tất cả ứng dụng
Khi bạn cài đặt một ứng dụng mới để sử dụng, bạn sẽ được hệ thống yêu cầu cấp một số quyền cho ứng dụng như “Camera”, “Vị trí”, “Dữ liệu sức khoẻ”, “Micro”,… Thông thường, đa số người dùng sẽ dễ dãi bấm OK để nhanh chóng sử dụng ứng dụng mà không lưu ý đến những yêu cầu này.
Tuy nhiên, việc bạn cấp phép mọi quyền cho tất cả các ứng dụng có thể dẫn đến việc nó có thể khai thác “hết công suất” các dữ liệu trên thiết bị của bạn. Do đó, bạn chỉ nên cấp những quyền mà bạn cảm thấy cần thiết và hợp lý như, ứng dụng chỉnh ảnh mới cần truy cập “Camera”, hay ứng dụng bản đồ mới cần truy cập “Vị trí”…Đối với những yêu cầu không hợp lý, bạn có thể bấm “Không đồng ý” (Don't Allow) để tránh ứng dụng có thể khai thác dữ liệu từ thiết bị.
5.Đóng tất cả các ứng dụng chạy ngầm
Nhiều người vẫn nghĩ rằng những ứng dụng chạy ngầm là một trong những nguyên nhân gây tiêu tốn tài nguyên của máy, nhất là về RAM và pin. Nó có thể khiến máy chạy chậm và pin mau hết hơn bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc đóng tất cả những ứng dụng chạy ngầm này cũng không làm cho smartphone của bạn chạy nhanh hơn đâu.
Theo như Giám đốc Kỹ thuật Phần mềm của Apple - ông Craig Federighi đã từng nói rằng việc đóng các ứng dụng chạy ngầm trên iOS không giúp gì cho điện thoại và cũng chẳng giúp tăng được thời lượng pin. Trang hỗ trợ của Apple cũng đưa ra một lưu ý với người dùng là chỉ nên buộc các ứng dụng ngừng hoạt động khi chúng bị “treo” hoặc gặp lỗi.