Smartphone có độ phân giải màn hình như thế nào là lý tưởng nhất?
Huyền Trang
Th 4 11/03/2020
Nên lựa chọn smartphone có độ phân giải màn hình như thế nào?
Độ phân giải màn hình là chỉ số các điểm ảnh hiển thị trên màn hình và được gọi là pixels. Các chỉ số này càng lớn thì màn hình hiển thị càng chi tiết, sắc nét. Tuy nhiên, để xác định được màn hình hiển thị có tốt hay không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như công nghệ màn hình, kích thước màn hình và mật độ điểm ảnh.
Mật độ điểm ảnh (ppi), để chỉ tổng số điểm ảnh có trong 1 inch trên màn hình. Theo Steve Job, mật độ điểm ảnh trên 300 ppi là lý tưởng nhất. Mật độ điểm ảnh và kích thước màn hình có sự liên quan vô cùng mật thiết với nhau. Nếu hai chiếc smartphone có cùng độ phân giải nhưng khác kích thước thì người dùng có thể dựa vào ppi để khỏi băn khoăn khi lựa chọn.
Ví dụ, màn hình của Samsung Galaxy S20+ và Galaxy S20 Ultra đều có cùng độ phân giải 2K+ (3.200 x 1.440 pixels), nhưng S20+ có kích thước màn hình 6.7 inch tương đương mật độ điểm ảnh 525 ppi, trong khi S20 Ultra có kích thước màn hình 6.9 inch tương đương mật độ điểm ảnh 511 ppi. Do đó dựa vào ppi, người dùng có thể xác định được màn hình của Galaxy S20 Ultra không đẹp bằng Galxy S20+ một chút.
Màn hình độ phân giải cao có thực sự cần thiết?
Một điều chắc chắn là màn hình độ phân giải cao sẽ đem đến mật độ điểm ảnh cao hơn. Điều này sẽ giúp tránh được tình trạng vỡ điểm ảnh và đem đến khả năng hiển thị hình ảnh, con chữ sinh động và sắc nét hơn.
Bên cạnh đó, những chiếc smartphone sở hữu màn hình có độ phân giải từ cao đến rất cao thường sẽ sử dụng những tấm nền cao cấp như OLED và AMOLED. Điều này mang đến khả năng hiển thị màu sắc đẹp mắt, độ tương phản cao, dựa vào đó nhà sản xuất có thể tinh chỉnh màu sắc cho thực tế nhất, phù hợp để chỉnh sửa ảnh trên di động.
Việc trang bị màn hình độ phân giải cao cũng giúp cho các hãng điện thoại có thể đưa những công nghệ hiển thị mới nhất lên smartphone của mình chẳng hạn như HDR10, HDR10+ hay phát triển màn hình có tần số quét cao lên đến 120Hz, giúp xem phim và chơi game cực “đã”.
Màn hình điện thoại có độ phân giải cao sẽ nâng tầm trải nghiệm sử dụng và giải trí của người dùng, tuy nhiên cũng sẽ phải đánh đổi lại một vài yếu tố như giá thành cao và tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Không những vậy, việc gây hao pin điện thoại là điều không thể tránh khỏi vì khi đó chip xử lý sẽ phải hoạt động mạnh hơn để “gánh” được màn hình thì kéo theo pin sẽ tuột nhanh hơn.
Màn hình độ phân giải thấp (720p) liệu có đủ dùng?
Những nhược điểm của màn hình độ phân giải cao lại trở thành ưu điểm trên màn hình có độ phân giải thấp. Trước khi độ phân giải màn hình được nâng lên một tầm cao như hiện tại thì độ phân giải màn hình HD/HD+ cũng chiếm được một vị thế nhất định. Màn hình độ phân giải HD+ tuy được xếp vào nhóm độ phân giải thấp nhưng lại được sử dụng rất nhiều trên những smartphone giá rẻ dưới 4 triệu đồng. Lý do vì sao?
Chính là để nhà sản xuất hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn giữ được cấu hình đủ dùng cho smartphone. Việc hy sinh độ phân giải màn hình và sử dụng tấm nền không cao cấp như LCD sẽ bù đắp chi phí sản xuất, giúp nhà sản xuất tạo được một chiếc smartphone vừa mạnh vừa có giá cả phải chăng.
Bên cạnh đó, các smartphone giá rẻ thường được trang bị viên pin có dung lượng lớn từ 4.500 - 5.000 mAh kết hợp cùng màn hình độ phân giải thấp sẽ giúp cải thiện thời lượng pin của smartphone một cách đáng ngạc nhiên. Về khả năng tiết kiệm pin thì Realme C3 chính là 1 minh chứng, với màn hình độ phân giải HD+ nhưng được trang bị chip Meditek Helio G70 và viên pin 5.000 mAh cho thời lượng sử dụng liên tục hơn 9 tiếng ở hiệu suất cao nhất.
Thông thường những chiếc smartphone giá rẻ có kích thước màn hình lớn đến 6.5 inch dẫn đến việc mật độ điểm ảnh sẽ luôn dưới 300 ppi nếu sử dụng màn hình độ phân giải HD+ (1.600 x 720 pixels). Điều này sẽ khiến khả năng hiển thị bớt sắc nét hơn hẳn, màu sắc nhợt nhạt và hiện tượng vỡ điểm ảnh là điều dễ nhận ra. Hơn nữa, nhà sản xuất cũng không thể đưa những công nghệ mới vào màn hình độ phân giải thấp được, cho nên màn hình độ phân giải thấp có thể sẽ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng.