Khuyến mãi Khuyến mãi

Tại sao công nghệ sạc nhanh chưa được hỗ trợ trên nhiều smartphone?

Huyền Trang
Th 2 02/03/2020

Chi phí và độ phức tạp

Theo mặc định, các smartphone dùng cổng sạc USB-C đều hỗ trợ nguồn sạc 7.5W. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, hầu hết các dòng điện thoại, kể cả tầm trung giá rẻ đều được hỗ trợ sạc nhanh hơn, từ 10 – 15W là mức tối thiểu điển hình hiện nay.

Để giải thích cho việc tại sao một số điện thoại không sạc nhanh, lý do đầu tiên đó là chi phí và độ phức tạp để thực hiện mạch sạc nhanh, bởi sạc nhanh không rẻ. Thiết bị phải được trang bị con chip phù hợp để chuyển đổi dòng điện sang pin và pin cũng phải hỗ trợ sạc nhanh, các thành phần này cần phải có chất lượng cao hơn.

Bên cạnh đó, các thành phần này cũng cần có thêm kỹ thuật và thời gian phát triển, dẫn đến việc các nhà sản xuất phải đầu tư nhiều hơn. Mặt khác, smartphone hỗ trợ sạc nhanh nhưng nếu không có bộ sạc nhanh thì cũng trở nên vô dụng. Bộ sạc công suất cao cũng yêu cầu các thành phần chất lượng cao có thể tản nhiệt tốt. Vì vậy đa số các điện thoại hỗ trợ sạc nhanh hiện nay đều thuộc phân khúc tầm trung trở lên.

Tại sao công nghệ sạc nhanh chưa được hỗ trợ trên nhiều smartphone?

Công nghệ độc quyền

Các điện thoại sạc nhanh nhất trên thị trường hiện nay đều sử dụng những công nghệ độc quyền. Có một số dòng điện thoại sẽ không thể sạc nhanh nếu bạn không dùng đúng bộ sạc gốc của thiết bị, chẳng hạn như Google Pixel 4.

Tuy nhiên hiện nay, số lượng phụ kiện hỗ trợ công nghệ Quick Charge của bên thứ 3 hoặc USB Power Delivery của Qualcomm đang tăng lên. Do đó, người dùng có thể sạc nhanh cho thiết bị mà không cần phải đầu tư phát triển công nghệ riêng. Với ý nghĩ đó, nhiều nhãn hàng không bận tâm đầu tư vào một giải pháp độc quyền đắt tiền, điều đó đồng nghĩa với việc không phải thiết bị nào cũng có tốc độ sạc quá nhanh, kể cả flagship.

iphone xs hai phong

iphone xs hai phong

Các nhãn hàng lớn như LG, Motorola đã áp dụng công nghệ Quick Charge của Qualcomm từ vài năm trước đây trước khi USB-C và USB PD ra đời. Họ giữ mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Qualcomm, có thể vì sự thuận tiện, chi phí, thỏa thuận hợp đồng hoặc có lẽ chỉ là sự quen thuộc mà không phát triển công nghệ riêng của mình.

Tại sao công nghệ sạc nhanh chưa được hỗ trợ trên nhiều smartphone?

Phiên bản Quick Charge 4.0+ mới nhất cung cấp công suất sạc 18W và tối đa lên đến 27W khi được kết nối với bộ sạc USB PD. Thông số kỹ thuật USB Power Delivery tiên tiến hơn hỗ trợ tốc độ sạc lên tới 45W. Các nhà sản xuất điện thoại và phụ kiện cũng đang dần áp dụng tiêu chuẩn này, mặc dù không phải là nhanh nhất nhưng USB PD đủ mạnh và ngày càng phổ biến rộng rãi.

Đảm bảo kéo dài tuổi thọ pin

Lý do cuối cùng khiến một số nhãn hàng không muốn đẩy tốc độ sạc nhanh vượt quá 30W là do tác động của việc sạc nhanh đến dung lượng và tuổi thọ của pin. Nếu nhà sản xuất muốn đảm bảo điện thoại hoạt động tốt trong hai hoặc ba năm, tốc độ sạc chậm có lẽ sẽ tốt hơn.

Từ thử nghiệm sạc nhanh 100W của Xiaomi cho thấy rằng việc chuyển từ USB Power Delivery 30W sang giải pháp 100W của hãng làm giảm khoảng 20% ​​dung lượng pin. Vì vậy, pin 5000mAh trên danh nghĩa chỉ đạt mức 4000mAh trong thực tế.

Tại sao công nghệ sạc nhanh chưa được hỗ trợ trên nhiều smartphone?

Hơn nữa, sạc nhanh sẽ tạo ra nhiệt lượng lớn hơn, mà nhiệt độ cao là kẻ thù số một đối với sức khỏe của pin. Tuy nhiên lại có ý kiến cho rằng sạc nhanh sẽ tiêu tốn ít thời gian hơn để tích tụ nhiệt, vì vậy thật khó để nói chính xác vấn đề này ảnh hưởng như thế nào, nhưng ít nhiều thì vật liệu sản xuất pin cũng phải đủ bền để chịu áp lực từ nhiệt tỏa ra.

Tạm kết

Nhìn chung có rất nhiều lí do dẫn đến một số nhà sản xuất không muốn tập trung phát triển tốc độ sạc quá nhanh cho thiết bị của mình, từ chi phí để sản xuất đến sự độc quyền về công nghệ lẫn mục đích kéo dài tuổi thọ cho thiết bị. Sự đầu tư này chưa thực sự cần thiết, công suất khoảng 25 – 45W có sẵn hiện nay đã đủ nhanh và phù hợp với tuổi thọ của smartphone.

 

Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube Social Tiktok Tiktok