Khuyến mãi Khuyến mãi

Tổng hợp kiến thức về màn hình và độ phân giải trên smartphone

Minh Hoàng Mobile
Th 4 22/06/2016
Tìm hiểu các loại màn hình và độ phân giải trên smartphone hiện nay
Ảnh: Displays2go
Màn hình AMOLED là gì? Rồi độ phân giải 2K là cái chi chi? Tất cả những thuật ngữ chuyên ngành được viết tắt này sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết bên dưới. Để bạn hiểu rõ hơn, cũng như dễ dàng chọn mua smartphone trước những lời lẽ tâng bốc của người bán hàng.
Khi nói đến màn hình trên smartphone sẽ quy về bốn yếu tố quan trọng, bao gồm: Kiểu hiển thị, đường chéo của màn hình (inch), độ nét (HD, Full HD, vv) và độ phân giải (mật độ điểm ảnh; ppi - pixels per inch). Hai điều cuối có mối quan hệ rất chặt chẽ.
Bạn có thể định nghĩa về màn hình hiển thị bằng cách đơn giản nhất là nhìn vào số điểm ảnh theo chiều dọc và ngang, tạo nên màn hình. Nó thường được trích dẫn như chiều rộng x chiều cao, với các đơn vị trong pixel thay vì ước tính bằng kích thước inch; ví dụ, 1.024 × 768 có nghĩa là chiều rộng là 1.024 pixel và chiều cao là 768 pixel. Để có thể biết chính xác thiết bị của bạn đang dùng màn hình kích thước, độ phân giải và mật độ điểm ảnh bao nhiêu thì hãy kiểm tra bằng ứng dụng CPU-Z. Tải CPU-Z cho Android tại đây.
CPU-Z
CPU-Z cho bạn biết rất nhiều thông tin về điện thoại của bạn, bao gồm cả mật độ điểm ảnh
Còn nhớ khi Apple ra mắt iPhone 4, Steve Jobs từng khẳng định rằng mắt người chỉ có thể nhìn thấy các pixel ở ngưỡng cao nhất là 300 ppi với khoảng cách 10 inch, tương đương 25cm. Thông số này nghe cũng có lý bởi vì hầu hết những quyển tạp chí giấy bóng cũng được in ở mật độ 300 ppi và không ai than phiền rằng chữ trên tạp chí bị rỗ cả.
Một số người khác, trong đó vài nhà phân tích, thì nói rằng mắt người vẫn có thể nhận biết được các pixel riêng biệt ở mức 480 ppi hay thậm chí là hơn như thế. Tuy nhiên, điều này lại đòi hỏi người dùng phải dí sát mắt vào màn hình (một cách sử dụng không tự nhiên), thị lực cũng phải tốt như những người trẻ. Hầu hết ngưỡng nhìn thấy của chúng ta nằm trong khoảng 300 đến 480 ppi, tùy thuộc vào thị lực và độ tuổi.
Từ chuẩn 480p đến 1080p bạn có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường
Từ chuẩn 480p đến 1080p bạn có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường
Còn có một yếu tố quan trọng cần được xem xét khi chúng ta nói về màn hình hiển thị sắc nét và rõ ràng, nhưng lại thường bị bỏ qua, đó là cự ly quan sát. Kể cả trên những mẫu tivi hay điện thoại nét nhất cũng bắt đầu mờ đi khi bạn nhìn nó với cự ly xa dần. Vậy thì câu hỏi mà chúng ta sẽ giải đáp hôm nay là: Bắt đầu từ mức khoảng cách nào chúng ta sẽ nhận thấy lợi ích của những màn hình có độ phân giải cao?
Để đo khoảng cách lý tưởng giữa mắt bạn và màn hình smartphone, hãy giả sử rằng bạn là một trong số rất ít những người có thị lực hoàn hảo, tức là mức thị lực 20/20. Một người đạt tới mức thị lực này là người có thể nhìn rõ mọi vật với góc độ 1 phút (bằng 1/60 độ).
Hầu hết mọi người đều có thị lực kém hơn mức này, ví dụ người có thị lực 20/40 chỉ có thể nhìn rõ với góc độ 2 phút, trong khi với một số ít người (như phi công chẳng hạn) với thị lực 20/10 có thể nhìn rõ với góc độ 0,5 phút. Giới hạn thực sự của mắt người là khoảng 20/8, vì vậy một lần nữa chúng ta giả định mình có thị lực hoàn hảo 20/20.
Với giả thuyết đó, bạn thử nghĩ xem cần phải nhìn gần tới mức nào để thấy rõ những điểm ảnh trên một màn hình 720p, 1.080p và 1.440p? Sau đây, mời các bạn cùng tham khảo khoảng cách lý tưởng nhất để xem là bao nhiêu:
Các khoảng cách lý tưởng để xem nội dung trên màn hình smartphone
- Smartphone 480p (màn hình 4 inch như của Samsung Galaxy V Plus); mắt bắt đầu nhìn rõ điểm ảnh từ khoảng cách 37,4 cm.
- Smartphone 720p (màn hình 4.7 inch như của Nokia Lumia 730); mắt bắt đầu nhìn rõ điểm ảnh từ khoảng cách 28 cm.
- Smartphone 1.080p (màn hình 5 inch như của Lenovo Vibe Shot); mắt bắt đầu nhìn rõ điểm ảnh từ khoảng cách 19,8 cm.
- Phablet 1.440p (màn hình 5,5 inch như của LG G4 Leather); mắt bắt đầu nhìn rõ điểm ảnh từ khoảng cách 16,4 cm.
Với độ phân giải 480p
Với độ phân giải 480p, người dùng bình thường bắt đầu thấy điểm ảnh ở khoảng cách 37,4 cm trên điện thoại 4 inch
Với độ phân giải 720p
Với độ phân giải 720p, người dùng bình thường bắt đầu thấy điểm ảnh ở khoảng cách 28 cm trên điện thoại 4.7 inch
Với độ phân giải 1.080p
Với độ phân giải 1.080p, người dùng bình thường bắt đầu thấy điểm ảnh ở khoảng cách 19,8 cm trên điện thoại 5 inch
Với độ phân giải 1440p, người dùng bình thường bắt đầu thấy điểm ảnh ở khoảng cách 16,4cm trên chiếc điện thoại 5,5 inch
Với độ phân giải 1.440p, người dùng bình thường bắt đầu thấy điểm ảnh ở khoảng cách 16,4 cm trên điện thoại 5,5 inch
Trước khi xuống phần tìm hiểu chi tiết về bộ tứ chuẩn HD 720p, Full HD 1080p, Quad HD 1.440p và Ultra HD 4K, mình sẽ giải đáp nhanh thắc mắc của một số độc giả trong thời gian gần đây về 4 chuẩn này. Có bạn hỏi rằng: "Ủa sao trước đó thấy nói 1.280 x 720 pixel là chuẩn HD, mà bây giờ cũng gọi 1.280 x 768/800 pixel là chuẩn HD?" hay có bạn hỏi rằng: "1.280 x 800 pixel là chuẩn HD mà sao gọi là WXGA vậy?”,... Các chuẩn Full HD, Quad HD và Ultra HD cũng có câu hỏi tương tự.
Nói một cách ngắn gọn và hết sức dễ hiểu, các bạn cứ nhìn vào kích thước màn hình của thiết bị di động hiện nay có mặt trên thị trường; tầm 5 inch trở xuống là smartphone, từ 5,5 inch trở lên là phablet và trên 7 inch là tablet. Theo đó, độ phân giải cũng không ngoại lệ, chuẩn HD bao gồm: 1.280x720 pixel và 1.280x800 pixel. Vì 800p chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với 720p nên người ta cũng gọi chuẩn này là HD, chứ thực ra nó nằm ở mức WXGA (1.366 x 768, 1.360 x 768, 1.280 x 800). Tóm lại, vì kích thước, tỷ lệ và công nghệ sản xuất màn hình của các hãng khác nhau nên có sự chênh lệch này (có thể 2 chiếc smartphone chung kích thước, nhưng độ phân giải và điểm ảnh khác nhau,...).
Chuẩn HD
720p (gọi tắt là HD), con số 720 đại diện cho 720 đường quét ngang của độ phân giải màn hình hiển thị hình ảnh (còn được gọi là 720 pixel độ phân giải theo chiều dọc), trong khi chữ p đại diện cho quét liên tục. Khi phát tại 60 khung trên giây, 720p có độ phân giải đạt được trong thời gian cao nhất (chuyển động) dưới chuẩn ATSC và DVB. Thuật ngữ này giả định một độ phân giải màn hình 16:9, do đó tương ứng với độ phân giải 1.280 × 720 pixel.
Lenovo A6010 có màn hình 5 inch (720 x 1280 pixel, 294 ppi)
Lenovo A6010 có màn hình 5 inch (1.280 × 720 pixel, 294 ppi)
Chuẩn Full HD
Full HD là bước phát triển tiếp theo của chuẩn HD và hiện tại đang rất phổ biến trên các dòng smartphone, mặc dù 2K (QHD) đã bắt đầu có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh, kể từ khi trên thị trường di động xuất hiện OPPO Find 7 và LG G3, bộ đôi phablet thương mại đầu tiên sở hữu màn hình QHD.
1080p còn được gọi là Full HD hay FHD và BT.709. Thuật ngữ này thường xuất hiện trên màn hình tỷ lệ 16:9, tương ứng với độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel, mà người ta thường quảng cáo là Full HD.
HTC One M8 Eye có màn hình 5 inch (1080 x 1920 pixel, 441 ppi)
HTC One M8 Eye có màn hình 5 inch (1920 x 1080 pixel, 441 ppi)
Chuẩn QHD, Quad HD hoặc 2K
QHD là tên viết tắt của Quad HD hay thường gọi là 2K, rõ nét gấp 4 lần so với chuẩn HD, tương ứng với độ phân giải 2.560 x 1.440 pixel, giúp màn hình smartphone trở nên sắc nét và sống động hơn cả Full HD.
Samsung Galaxy S6 Edge có màn hình 5.1 inch (1440 x 2560 pixel, 577 ppi)
Samsung Galaxy S6 Edge có màn hình 5.1 inch (1440 x 2560 pixel, 577 ppi)
Chuẩn Ultra HD hay 4K
Ultra HD hay còn được gọi tắt là 4K. Tuy nhiên, nếu hiểu một cách chuẩn xác hơn thì Ultra HD tương ứng với độ phân giải 3.860 x 2.160 pixel và 4K là 4.096 x 2.160 pixel. Cả hai định nghĩa này thường được rút ngắn cách gọi xuống còn 2.160p và sự khác biệt điểm ảnh cũng tương đối thấp, nên phần đông người ta gọi chung là 4K. Giống như trường hợp của Sony Xperia Z5 Premium, máy có màn hình 5.5 inch độ phân giải 3.840 x 2.160 pixel, mật độ điểm ảnh 806 ppi, nhưng từ khi ra mắt cho đến nay các thông tin quảng cáo và sự truyền miệng của tín đồ công nghệ đều chỉ nhắc đến chuẩn 4K dành cho chiếc phablet này thôi.
Tuy nhiên, màn hình 4K của Xperia Z5 Premium dựa trên chuẩn SID, nên chỉ cho phép tất cả các video và hình ảnh hiển thị ở độ phân giải này, còn các nội dung khác sẽ được hiển thị ở độ phân giải Full HD 1080p hoặc thấp hơn để tối ưu hóa hiệu suất, cũng như tiết kiệm pin.

Độ phân giải nào phù hợp nhất với bạn?
Từ người tiêu dùng cho đến nhà phê bình và tín đồ công nghệ bắt đầu tự hỏi tại sao... Tại sao các nhà sản xuất cảm thấy cần phải tiếp tục tăng độ phân giải khi họ chưa nắm vững cân bằng trắng, gam màu, khả năng hiển thị “tứ phía” hoặc ngoài trời nắng trên màn hình hiện tại? Mắt người thậm chí có thể phân biệt sự khác biệt giữa màn hình QHD 5.5 inch và kích thước tương tự ở chuẩn 1080p?
Từ đó, nó cũng làm tăng thêm lo ngại về khả năng tiêu thụ điện năng của thiết bị như: Đèn nền màn hình sáng hơn và yêu cầu CPU cũng như GPU hoạt động "nhiệt tình" hơn để thúc đẩy các điểm ảnh bổ sung.
Motorola Moto X Play có màn hình 5.5 inch (1080 x 1920 pixel)
Bản thân mình, chỉ cần màn hình Full HD rộng 5.5 inch như trên Motorola Moto X Play là quá đủ để trải nghiệm
Loại màn hình
Khi nhắc đến Galaxy S6, LG G4 hay iPhone 6s, chắc chắn người ta sẽ nhắc đến loại màn hình mà những máy này được trang bị. Có rất nhiều loại màn hình được sử dụng trên smartphone, bao gồm: LCD, IPS, TFT, OLED, AMOLED, Super AMOLED, Retina... Nếu bạn chán đọc các tài liệu tham khảo dài ngoằng và không biết bắt đầu từ đâu, thì mình sẽ rút gọn lại và thông tin đến bạn một số loại màn hình đang thịnh hành trên thị trường di động.
Màn hình LCD là gì?
Màn hình tinh thể lỏng hay LCD (Liquid crystal display) là loại thiết bị hiển thị cấu tạo bởi các tế bào (các điểm ảnh) chứa tinh thể lỏng có khả năng thay đổi tính phân cực của ánh sáng và do đó thay đổi cường độ ánh sáng truyền qua khi kết hợp với các kính lọc phân cực. Chúng có ưu điểm là phẳng, cho hình ảnh sáng, chân thật và tiết kiệm năng lượng.
Màn hình LCD có hai loại chính: TFT và IPS. TFT viết tắt của Thin Film Transistor, một phiên bản nâng cao của màn hình LCD có sử dụng ma trận chủ động. LCD ma trận chủ động thay thế lưới điện cực điều khiển bằng loại ma trận transistor phiến mỏng (thin film transistor, TFT LCD) có thời gian đáp ứng nhanh và chất lượng hình ảnh vượt xa DSTN LCD (ma trận thụ động). Các điểm ảnh được điều khiển độc lập bởi một transistor và được đánh dấu địa chỉ phân biệt, khiến trạng thái của từng điểm ảnh có thể điều khiển độc lập, đồng thời và tránh được bóng ma thường gặp ở DSTN LCD.
Ưu điểm chính của màn hình TFT là chi phí sản xuất tương đối thấp và tăng độ tương phản khi so sánh với màn hình LCD truyền thống. Những bất lợi của màn hình TFT LCD là tiêu thụ năng lượng cao hơn so với một số màn hình LCD khác, góc nhìn và khả năng tái tạo màu sắc cũng kém hơn. Bởi thế, công nghệ màn hình này chủ yếu phổ biến trên điện thoại cơ bản và smartphone giá thấp.
Mobiistar LAI Z dùng màn hình TFT
Mobiistar LAI Z dùng màn hình TFT
IPS là tên viết tắt của In-Plane Switching - bước cải tiến mới trên màn hình TFT LCD. Màn hình IPS hiển thị hình ảnh với gam màu rộng hơn, thường được sử dụng trong các thiết bị cao cấp, rất thích hợp cho thiết kế đồ họa vốn đòi hỏi khắt khe về chất lượng hiển thị, ngoài ra màn hình IPS còn cung cấp góc nhìn lên tới 178 độ so với phương ngang, điều này có nghĩa là người dùng không nhất thiết phải ngồi trực diện vẫn có thể trải nghiệm hết chất lượng của hình ảnh.
Microsoft Lumia 640 XL dùng màn hình IPS
Microsoft Lumia 640 XL dùng màn hình IPS
Thường thì quá trình màn hình LCD tiêu thụ điện năng lượng không bị ảnh hưởng bởi các màu sắc trên màn hình. Trên màn hình LCD, bạn có thể sử dụng màu sắc tươi sáng, chủ đề màu trắng hoặc đen. Màn hình LCD có độ sáng cao hơn so với các loại màn hình khác và tiết kiệm pin hơn so với màn hình AMOLED.
AMOLED
AMOLED là tên viết tắt của cụm từ "Active Matrix Organic Light Emitting Diode", tạm dịch là "đi-ốt phát sáng hữu cơ ma trận động". Công nghệ này là một trong những công nghệ màn hình mới có nhiều ưu thế và được đánh giá sẽ thay thế màn hình TFT. So với TFT, màn hình AMOLED có khả năng tái tạo màu rõ nét và sống động hơn, độ nét cao hơn, màu đen đậm hơn (độ tương phản cao hơn) và góc nhìn rộng hơn. Ngoài ra, AMOLED cũng nhẹ hơn so với màn hình TFT, giúp giảm trọng lượng của điện thoại. Nhưng màn hình này cũng có yếu điểm là hiển thị hình ảnh khá kém dưới ánh sáng mặt trời. Màn hình AMOLED hiện xuất hiện nhiều trên các dòng smartphone của Samsung, HTC, OPPO, Microsoft, Huawei,...
Microsoft Lumia 950 XL dùng màn hình AMOLED
Microsoft Lumia 950 XL dùng màn hình AMOLED (Ảnh: Techradar)
Sự khác biệt giữa AMOLED và Super AMOLED
Super AMOLED là thương hiệu màn hình được phát triển bởi Samsung hướng tới các dòng smartphone cao cấp, đây là phiên bản cải tiến từ các công thức cơ bản của AMOLED, giống như cách tiến hóa của màn hình LCD. Bằng cách kết hợp màn cảm ứng (touch panel) và lớp kính trên cùng, Samsung đã tạo ra màn hình có màu sắc nổi bật hơn so với các màn hình AMOLED thông thường và có khả năng hiển thị rõ hơn dưới ánh sáng mặt trời. Công nghệ màn hình Super AMOLED đã được ứng dụng vào các smartphone cao cấp của Samsung như dòng Galaxy S.
Samsung Galaxy S6 Edge Plus dùng màn hình Super AMOLED
Samsung Galaxy S6 Edge Plus dùng màn hình Super AMOLED
Màn hình Retina
Retina là một thuật ngữ mang đậm tính quảng cáo của Apple (chứ cấu trúc cũng tương tự loại màn hình LCD), nhằm chỉ loại màn hình có mật độ điểm ảnh cao đến mức mắt thường của người không thể phân biệt được từng ô điểm ảnh nhỏ riêng biệt trên màn hình. Mật độ điểm ảnh trên màn hình Retina cũng được chia ra nhiều “chuẩn” khác nhau tùy từng thiết bị và tầm nhìn thông thường của người dùng. Thực chất thì màn hình Retina cũng là một loại màn hình LCD nhưng được nâng cấp thêm tấm nền IPS nên giúp nâng cao chất lượng hình ảnh, màu sắc và độ tương phản, đồng thời có một góc nhìn rộng có nghĩa là có thể nhìn nghiêng sang trái hay sang phải một chút cũng có thể thấy được.
iPhone 6 và iPhone 6 Plus đều dùng màn hình Retina HD (Ảnh: iMore)
Bên trên là những loại màn hình và độ phân giải phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng rằng, sau bài viết này bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức để bổ sung vào hành trang mua sắm trước khi có ý định rinh smartphone hay máy tính bảng về nhà. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bạn bè về mẫu máy nào bạn chuẩn bị mua để xem nhận xét từ họ, hay tìm hiểu thêm thông tin trên các diễn đàn công nghệ chẳng hạn... Nhất là đừng quá tin vào những lời lẽ quảng cáo từ nhân viên tiếp thị.
Viết bình luận của bạn
Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube Social Tiktok Tiktok