Công nghệ sạc nhanh gây ảnh hưởng đến pin smartphone như thế nào?
Minh Hoàng Mobile
Th 2 03/08/2020
Sự ra đời của tính năng sạc nhanh đã giải quyết được khá nhiều vấn đề, đáp ứng được nhu cầu của người dùng về một chiếc điện thoại có thời lượng pin lâu dài. Có rất nhiều hãng công nghệ đã đưa tính năng hữu ích này vào những dòng sản phẩm của mình và nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Tuy có vẻ như mang lại rất nhiều lợi ích trước mắt, nhưng sự thật thì tính năng đặc biệt này lại được xem như “con dao hai lưỡi”, vô tình làm tuổi thọ của pin giảm đi sau 1 thời gian sử dụng.
Công nghệ sạc nhanh “lợi đi đôi với hại”
Dành cho những ai chưa hiểu rõ thì “sức khỏe pin” của điện thoại hoàn toàn khác với “tuổi thọ pin” mà người dùng vẫn hay thường nghe. Sức khỏe pin chính là khoảng thời gian pin hoạt động tốt nhất cho đến khi cần được thay thế. Nó thể hiện quá trình “lão hóa” của viên pin chứ không đơn thuần chỉ là thời gian sử dụng sau một lần sạc đầy.
Hiện nay, những sản phẩm Apple đã được tích hợp thêm tính năng “Battery Health” cho phép người dùng có thể kiểm tra tình trạng pin của máy một cách dễ dàng, đồng thời tự động điều chỉnh hiệu suất của thiết bị khi pin có dấu hiệu bị “suy thoái”.
Trên thực tế, quá trình lão hóa của viên pin bắt đầu xảy ra ngay tại lần sạc đầu tiên. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi lần người dùng cắm sạc cho thiết bị là 1 lần tuổi thọ của pin bị rút ngắn đi thêm một chút. Thậm chí, một chiếc điện thoại không được sạc quá thường xuyên, nhưng sau một năm hay lâu hơn thì những vấn đề này vẫn sẽ xảy ra trên viên pin của thiết bị đó. Chính vì vậy có thể nói, đây chính là nguyên lý khoa học mà công nghệ pin hoạt động.
Có thể hiểu một cách đơn giản rằng, khi quá trình sạc được diễn ra, chúng ta cần tạo một điện tích bên trong viên pin đồng thời phải loại bỏ một lớp chất liệu rất mỏng khỏi điện cực bên trong và di chuyển nó sang một điện cực khác. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra nhưng là theo một hướng ngược lại mỗi khi quá trình xả pin diễn ra.
Chính vì chất liệu này sẽ dần dần bị hao mòn theo thời gian, vậy nên kéo theo đó sẽ là sự tụt giảm đáng kể của cả tuổi thọ pin lẫn dung lượng pin. Đó là khi người dùng bắt đầu nhận ra rằng, thay vì bình thường mất từ 1,5-2 tiếng để có thể sạc đầy thì nay chỉ mất khoảng 1 tiếng, thậm chí là 30 phút để sạc đầy mà thôi. Đây chính là dấu hiệu khẳng định rằng viên pin đó đã không còn khả năng “dự trữ” nhiều như trước đây.
Đây là nguyên lý hoạt động cơ bản của bất kỳ nguồn pin nào trên những thiết bị công nghệ. Và chắc chắn rằng, sẽ không có nguồn pin nào có thể kéo dài vĩnh viễn cũng như không có cách thức nào có thể ngăn quá trình “lão hóa” này diễn ra. Đồng thời qua đó, chúng ta cũng biết được nhân tố chính góp phần thúc đẩy quá trình xuống cấp của nguồn pin diễn ra nhanh hơn chính là nhiệt độ.
Tại sao người dùng nên quan tâm đến “sức khỏe pin” của điện thoại?
Mặc dù đã biết được “kẻ thù” lớn nhất của bất cứ nguồn pin nào chính là nhiệt độ nhưng người dùng lại không thể nào tránh được vấn đề này trong quá trình sử dụng. Khi sử dụng thiết bị với tần suất liên tục hay khi cắm sạc, viên pin sẽ nóng lên. Thậm chí là khi thiết bị ở trong trạng thái bình thường, không sử dụng nhưng được đặt ở một nơi có nhiệt độ cao thì viên pin cũng sẽ nóng lên nhanh chóng. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất để trì hoãn phần nào quá trình “lão hóa” của viên pin chính là giảm nhiệt độ xuống mức tối thiểu.
Và có 1 điều chắc chắn rằng, sạc nhanh là một trong những nguyên nhân gián tiếp khiến nhiệt độ của pin tăng lên và gây tổn hại đến độ bền của nó trong một thời gian dài. Người dùng cần phải hiểu rằng, bản chất của sạc nhanh là việc để viên pin tiếp cận với nguồn sạc có công suất lớn và chỉ mất một thời gian ngắn để nạp gần như là một nửa mức năng lượng của nó.
Công nghệ sạc nhanh tưởng chừng như một tính năng vô cùng hữu ích nhưng đồng thời nó cũng sẽ mang đến một nỗi lo ngại rất lớn về nhiệt độ. Có rất nhiều nhà sản xuấ trên thị tường đã ứng dụng công nghệ sạc nhanh vào những sản phẩm của mình, đơn cử như OPPO vừa gây được sự chú ý với giới công nghệ bằng tính năng sạc siêu tốc Super Flash Charge 125W, được đánh giá là công nghệ sạc nhanh nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Mặc dù không tiết lộ quá cụ thể về cơ chế hoạt động phía sau công nghệ Super Flash Charge 125W này, nhưng phía đại diện của OPPO đã đề cập rằng nguồn pin sẽ được thiết kế phù hợp sao cho cho nhiệt độ luôn được giữ ở dưới mức 40 độ C (104 độ F), sử dụng pin loại 6C thay vì 3C như công nghệ Super VOOC 65W trước đó. Thông thường tốc độ C cơ bản chỉ là xác định khả năng của pin để xử lý dòng điện sạc và xả, chứ không tác động đến việc bảo vệ nhiệt cho viên pin.
Đa số các nhà sản xuất đều mong muốn duy trì nhiệt độ lý tưởng của viên pin ở mức dưới 30 đến 35 độ C, bởi họ hiểu rõ nhiệt độ sẽ phá hủy hiệu năng của nguồn pin 1 cách khủng khiếp như thế nào. Điều này không có nghĩa rằng việc cho ra đời công nghệ sạc nhanh của những kỹ sư thiết kế OPPO là đáng chê trách. Thực sự OPPO đã làm rất tốt việc ứng dụng công nghệ sạc nhanh trên những sản phẩm của mình, nhưng điều này sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho người dùng về một nguồn pin bền lâu.
Không ai mong muốn chiếc điện thoại của mình chỉ vì được sạc nhanh thêm trong chốc lát mà phải đánh đổi bằng việc nguồn pin sẽ dần xuống cấp chỉ trong 18 tháng sau đó. Đây chính là hậu quả của sự kết hợp giữa thời gian sạc nhanh và nhiệt độ ngày càng được đẩy lên cao.
Tạm kết
Đồng ý rằng việc phải sạc quá nhiều lần sẽ gây nên sự phiền toái, nhưng rõ ràng chúng ta cũng không hề vui vẻ khi chiếc điện thoại của mình chỉ vừa được sử dụng hơn một năm mà nguồn pin đã bị “lão hóa” chỉ vì lạm dụng công nghệ sạc nhanh.
Hi vọng rằng trong tương lai không xa, nền công nghệ pin sẽ nhanh chóng khắc phục được vấn đề về nhiệt độ song song với tính năng sạc nhanh vô cùng tiện dụng này để có thể mang đến một sản phẩm hoàn hảo, thỏa mãn nhu cầu của người dùng.