Khuyến mãi Khuyến mãi

Kĩ hơn về điện thoại chống nước, ý nghĩa thang đo ATM và IPxx

Minh Hoàng Mobile
Th 3 04/10/2016

Hàng loạt điện thoại Android cao cấp giờ đây đã có khả năng chống nước để anh em có thể vô tư xuống hồ, xuống biển chụp hình bơi lội với bạn gái hay để gọi điện trong mưa mà không phải lo lắng. Ngay cả chiếc iPhone 7 cũng được trang bị tính năng chống nước. Nhưng thực chất có tới 3 kiểu chống nước: waterproof, water-resistant, water-repellent, tất nhiên chúng cũng hoàn toàn khác nhau. Trong bài này xin chia sẻ với anh em về 3 loại chống nước này, kèm theo một số thông tin mà mình tìm hiểu được về các thang đo ATM hoặc IPxx mà chúng ta thấy các hãng hay quảng cáo. Những thứ này sẽ giúp anh em hiểu và sử dụng thiết bị của mình đúng cách hơn, an toàn hơn trong môi trường nước. Anh em nào tính đi mua smartphone chống nước cũng biết chính xác thiết bị của mình chống nước tới đâu.



Waterproof vs. Water-resistant vs. Water-repellent

Theo giải thích của HZO, công ty cung cấp giải pháp chống nước cho rất nhiều công ty công nghệ hiện nay, thì:

  • Waterproof: thiết bị của bạn hoàn toàn không để cho nước lọt vào bên trong một chút nào. Đây là mức chống nước cao nhất

  • Water-resistant: nước có thể vào trong máy nhưng không gây hại trong một số điều kiện nhất định

  • Water-repellent: nước không dễ lọt vào các linh kiện, nhất là khi đã được xử lý bằng một lớp tráng phủ hay một biện pháp nào đó.

Hiện tại, không chỉ smartphone mà hầu hết những thiết bị điện tử tiêu dùng ngày nay là water-resistant, không phải waterproof. Trên trang web chính thức của mình, Samsung rất cẩn thận khi viết rằng chiếc Galaxy S7 của họ là water-resistant. Nhiều sản phẩm Sony cũng dùng chữ water-resistant, vẫn có vài máy ghi chữ waterproof nhưng đều được chú thích là không ngâm sản phẩm vào nước hoàn toàn một cách cố ý, cần phải đóng hết các nắp che cổng. Chiếc Moto G4 mới được ra mắt thì được Motorola / Lenovo quảng cáo là water-repellent.

Mức độ chống nước của các thiết bị tiêu dùng hiện tại được đo bằng một trong hai thang: ATM hoặc IPxx. Chúng ta sẽ nói kĩ hơn về hai cách đo lường này sau. Nhưng nói chung, hầu hết smartphone hay smartwatch của chúng ta chỉ có khả năng chống nước ở một mức nhất định mà thôi, bạn không nên ngâm chúng quá lâu và quá sâu trong nước, trong những dung dịch lỏng với nồng độ muối cao (nước biển) hay trong nồi lẩu bởi vì lớp chống nước có thể bị hư hại và chiếc máy chục triệu của bạn sẽ lên đường.

Vì sao điện thoại hay smartwatch có khả năng chống nước?

Cách phổ biến và thường thấy nhất ở các hãng sản xuất đó là họ sẽ đặt một hoặc nhiều cái ron chống thấm vào bên trong sản phẩm của mình. Những ron này có thể được làm từ cao su hoặc một chất lượng không thấm nước nào đó. Sony, Samsung, Apple đều sử dụng giải pháp này vì nó không làm ảnh hưởng nhiều tới ngoại hình thiết bị, đáp ứng được cả nhu cầu tạo ra một thứ vừa chống nước song vẫn đẹp và tinh tế. Samsung còn áp dụng thêm cách thiết kế khung kim loại kín để hạn chế việc vào nước. Giải pháp ron chống nước cũng là cách mà các công ty sản xuất đồng hồ và máy ảnh áp dụng.

Ron_cao_su.jpeg

Ron cao su trong Galaxy S7


Trong thời gian gần đây người ta phát minh ra thêm một cách chống thấm nữa: tráng phủ nano. Một lớp tráng đặc biệt sẽ được phủ lên bo mạch của máy và lên các cổng kết nối. Khi nước gặp lớp tráng này, nó sẽ tụ lại thành giọt và chảy ra ngoài chứ không dính vào các mạch điện khiến thiết bị hư hỏng. Đây cũng là lý do vì sao một vài smartphone vẫn có khả năng chống nước mà không cần phải che động các cổng kết nối, ví dụ như Galaxy S7 hay Xperia Z-Series. HZO là một trong những công ty cung cấp giải pháp tráng phủ này.

Hai thang đo phổ biến: ATM và IPxx

ATM: chủ yếu dùng cho thiết bị đeo được

ATM viết tắt cho chữ atmosphere, đơn vị đo áp suất. 1 ATM tương đương với áp suất đè lên bạn khi bạn ở trên mặt nước. Nếu bạn xuống sâu thêm 10m nữa thì áp suất sẽ trở thành 2 ATM. Cứ xuống 10m nước thì tăng 1 ATM.

Các mẫu smartwatch và vòng đeo tay theo dõi sức khỏe sử dụng atm để nói lên khả năng chống nước của mình. Ví dụ, chiếc Pebble Original và Pebble Steel có mức chống nước là 5 ATM, và theo Pebble giải thích thì bạn vẫn có thể đeo đồng hồ trên tay mà không sợ hư hỏng miễn là bạn lặn không sâu hơn 50m dưới mực nước hồ hay biển. Với Pebble, bạn có thể thoải mái bơi lặn mà không quá lo lắng. Trong khi đó, chiếc Fitbit Charge chỉ có mức chống nước là 1 ATM nên chỉ có thể chống vào nước mưa, nước rửa mặt hay khi ai đó vô tình đổ nước lên mà thôi. Bạn không thể mang chiếc Charge xuống hồ hay biển được.

Pebble_5ATM.jpg

Hiện tại không (chưa) có bài kiểm tra cụ thể nào để quyết định chính xác chỉ số atm của một thiết bị đeo được, tuy nhiên một số thì dùng chuẩn ISO:22810 nhưng chúng ta không cần quan tâm đến nó.

Có một thứ cực kì quan trọng mà bạn phải để ý: nhiều mẫu smartwatch cho phép đem xuống hồ, xuống biển, nhưng bạn không được bấm nút vì sẽ làm hở các ron khiến nước tràn vào và hỏng ngay. Pebble đã lưu ý kĩ thông tin này trên website của mình. Hãy tham khảo tài liệu đi kèm với sản phẩm của bạn để viết thêm thông tin nhé. Nếu đem xuống biển, sau khi lên bờ hãy rửa sạch đồng hồ bằng nước ngọt để tránh muối kết tinh làm kẹt nút hoặc làm hư lớp vỏ bên ngoài của thiết bị.

IPxx: chủ yếu dùng cho điện thoại

Khác với thiết bị đeo được, smartphone có một thang đo chuẩn được ấn định bởi Ủy ban kĩ thuật điện tử thế giới (IEC). Chuẩn này được gọi là International Protection hay Ingress Protection, vậy nên anh em mới hay thấy chữ viết tắt là IP kèm theo một số con số phía sau.

Galaxy_S7_Nuoc-3.jpg

Chúng ta hãy lấy ví dụ với chuẩn IP68 của chiếc Galaxy S7 Edge

  • Con số đầu tiên chỉ mức độ chống bụi, 6 là mức cao nhất và hầu hết smartphone ngày nay đều đạt được

  • Con số thứ hai chỉ mức độ chống nước, 9 là mức cao nhất nhưng hầu hết smartphone đều chỉ đạt từ 7 đến 8, một số thì đạt mức 4 hoặc 5 mà thôi

Bên dưới là bảng liệt kê chi tiết về từng con số chống nước của chuẩn IP:



Hãy lưu ý, thiết bị được kiểm tra với một con số chống nước không có nghĩa là nó "miễn nhiễm" với những cấp nhỏ hơn. Ví dụ, Galaxy S7 Edge được Samsung quảng cáo ở mức IP68, tức là bạn có thể ngâm sản phẩm trong nước hơn 30 phút ở độ sâu hơn 1m mà vẫn không sao, nhưng không có nghĩa là Galaxy S7 sẽ không bị vào nước khi bạn phun tia nước vào ổ mức 5 hay 6 dù tình huống này ít xảy ra. Đây là lý do mà một số thiết bị có đến hai mức IP, ví dụ Xperia Z5 có cả IP65 và IP68 luôn vì Sony đã kiểm tra với cả hai tiêu chuẩn này.

Nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng. Trước khi xuất xưởng, nhà sản xuất đã thiết kế để máy có thể kháng được hầu hết tình huống vào nước bình thường rồi. Và trong hầu hết các trường hợp, khi đã qua mức 5 thì gần như máy sẽ không bị vào nước với những tình huống từ 1 đến 4.

Điều tương tự cũng áp dụng cho case điện thoại. Một số case được quảng cáo là "waterproof" nhưng thực chất chúng cũng chỉ đạt tới mức IP68 là tối đa mà thôi.

Một vài lưu ý khi xài thiết bị chống nước

Các nút hay nắp bảo vệ: Nếu thiết bị của bạn có bất kì nắp nào, đảm bảo rằng bạn đã đóng nó thật chặt trước khi cho thiết bị xuống nước. Ngoài ra, bạn cũng không nên nhấn bất kì nút nào khi máy đã được ngâm hoàn toàn trong môi trường nước. Nếu không làm theo, seal chống nước của thiết bị có thể bị hở ra và nước tràn vô máy, thế là tèo. Nhưng cũng có một số nhà sản xuất cho phép nhấn nút ngay cả khi bạn đang bơi lội, hãy đọc kĩ tài liệu hướng dẫn sử dụng để biết rõ hơn nhé.

3138258_Tinhte.vn_Xperia_Z5_cam_boi.png

Nước nào thì được: Bạn có thể đem điện thoại xuống biển không? Có. Bạn có nên làm như vậy không? Không. Tất cả những bài kiểm tra của chuẩn IP đều được thực hiện bằng nước sạch, không phải bằng nước biển. Trong nước biển có cát và nhiều loại muối hoàn tan trong đó nên có thể làm hư hỏng thiết bị của bạn, tuy không phải lúc nào cũng bị nhưng lỡ "xui" thì bạn không thể bảo hành được máy đâu nhé. Tốt nhất là không nên cầm xuống biển, nếu có cần mang đi lặn, đi bởi biển thì cũng nhớ rửa sạch bằng nước ngọt khi đã lên bờ. Một số trường hợp ngoại lệ có thể xuống biển thường được nhà sản xuất nói rõ.

minh hoàng mobile bán iphone 7 tại hải phòng


Cũng cần lưu ý tránh để đổ nước ngọt hay cà phê lên máy. Nếu có lỡ làm đổ cà phê thì hãy tắt nguồn máy ngay, gỡ pin ra nếu có thể, dọn dẹp, lau chùi cho sạch rồi hãy bật lên.

Theo Tinhte


Viết bình luận của bạn
Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube Social Tiktok Tiktok